Các phạm trù trong triết học Việt Nam Triết học Việt Nam

Gần đây, khoa học xã hội đã có những thành tựu được công bố liên quan đến hệ thống phạm trù triết học Trung đại Việt Nam như "Các phạm trù văn hóa Trung cổ", "Hệ thống quan niệm văn học Trung Quốc", "Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học Trung đại Việt Nam". Trước hết, phương thức tiếp cận vấn đề phạm trù triết học Việt Nam Cổ trung đại không tách rời khỏi hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam. Thao tác tiếp cận cần lưu ý giới hạn, chọn lọc, khu biệt những nguyên tắc vận dụng, chỉ tập trung vào những nguyên tắc có ý nghĩa, nằm ở tính hợp lý. Con người không thể tách khỏi môi trường tự nhiên, xã hội và thế giới nội tâm. Những nguồn thông tin được thu thập xuất phát từ khoa học khảo cổ, văn hóa học, lịch sử, xã hội học, từ các văn bia, lễ hội, những biểu tượng, những tác phẩm văn học dân gian, văn học viết (trong dạng thức văn - sử - triết bất phân), những khuôn mẫu được thừa nhận, những tác phẩm "văn học hóa" triết học... Trong văn học, cần lưu ý các tác phẩm: tục ngữ, ca dao (chứa những tư tưởng triết học rời rạc được phát biểu gần như vô thức), truyện thơ Nôm, các tác phẩm của Khương Tăng Hội, Mâu Tử, văn học đời Lý – Trần, "Thiền uyển tập anh". Các tác phẩm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du...

Đối chiếu, chú giải các tài liệu thu được, chồng các văn bản văn - sử - triết phức hợp ấy với nhau có thể tìm ra được những ký hiệu triết học Việt Nam. Sau đó bằng các thao tác trừu tượng hóa, khái quát hóa ta có được những quan niệm phạm trù quy luật cơ bản. Những phạm trù này liên hệ với nhau theo một sơ đồ lập thể (cubism) hoặc hình mạng (network), một phạm trù có thể liên hệ với tất cả các phạm trù khác nhưng đồng thời một phạm trù cũng tương tác – tương nhập với các phạm trù khác tạo thành những hệ thống nhỏ. Từ các hệ thống nhỏ này lại liên hệ nhau tạo thành hệ thống mang tính chỉnh thể. Đạo lý tự nhiên bao giờ cũng bao trùm các phạm trù khác, thẩm thấu các phạm trù khác như Ngô Thời Nhậm đã viết "Đạo có cơ sở là cái lý tự nhiên, mà gốc là tình người[7]".

  • Vũ trụ: là sự hiện hữu, là bức tranh đa dạng về thế giới (gồm thiên nhiên, nội tâm, ý thức, tư duy). Các phạm trù có liên quan như bản thể, bản thể luận, đại ngã, trời đất, chân - thiện - mỹ.
  • Đạo: tri thức xuất phát từ chiêm nghiệm, quan sát cuộc sống, từ trực giác đến logic hoá thành khái niệm qua trừu tượng những sự vật hiện tượng. Các phạm trù có liên quan: đạo lý, đạo đức, đạo làm người.
  • Mâu thuẫn: gồm các cặp phạm trù: âm – dương; hữu – vô; thiện – ác; lợi - hại; tiến – thoái… trong thế đối lập, nhưng dựa vào nhau tồn tại, chuyển hoá nhau…
  • Vận động: là dạng thức sống động của trời đất, vũ trụ. Nó liên hệ với những phạm trù: dịch, sinh, chu kỳ vũ trụ. khứ (đi) – lai (về); cân bằng, quân bình, nhân quả, bản thể, thịnh – suy...
  • Không gian: là môi trường cho con người và các sự vật hiện tượng tồn tại. Không gian là vô biên, trước hết nó chứa nền văn minh của khách thể.
  • Thời gian: là qui ước, con người Cổ trung đại xem thời gian là vĩnh cửu.
  • Con người: với tư cách là một hữu thể, con người là bộ phận hữu cơ của thế giới. Có sự vận động từ con người đạo lý, con người vũ trụ đến con người cá nhân. Con người được trân trọng, mẫu mực là con người cảm thông với tạo vật – công bằng - khoan dung. Nó liên quan đến: bản ngã, vô ngã. Bằng lối tư duy nhân văn, con người được đề cao không chỉ ở cấp độ nhân bản mà hơn thế nữa con người giao hoà với thế giới thông qua các giác quan và những hành động.
  • Trí tuệ: giúp con người nhận thức, tích luỹ tri thức, sáng tạo ra văn hoá. Nó liên quan đến các phạm trù: ý thức, nhận thức, vô thức, nhận thức sai lầm, cố chấp. Tướng - Thể - Dụng.
  • Yêu thương: thuộc về nhân sinh quan. Yêu thương và thù hằn là hai dạng năng lượng khác nhau. Nó liên quan đến các phạm trù: nhân – nghĩa; trung - hiếu; nghĩa - lợi, khoan dung; hoà; hoà; tích hợp...
  • Hạnh phúc: là khát vọng vĩnh cửu của con người, tuỳ thuộc vào thái độ của người cảm nhận. Nếu triết học Ấn Độ (Védànta) không lạc quan cũng không bi quan thì tư tưởng Việt Nam thiên về lạc quan (Phan Ngọc, Lê Ngọc Cầu). Nó liên quan đến các phạm trù: niết bàn, an lạc, thiên đường, bồng lai, đào nguyên...

Có nhiều phạm trù vay mượn vỏ ngôn ngữ Ấn Độ và Trung Hoa nhưng đã được chọn lọc và đi vào văn hoá dân gian, văn hoá dân tộc, nó có hiện tượng khác đi bởi môi trường văn hoá Việt Nam, hoặc có khi được sử dụng với thang giá trị mới của người Việt. Nên từ đó, nhiều phạm trù đã đi xa hơn, tạo một khoảng cách đáng kể với kinh điển chính thống để nhập cuộc vào cuộc sống thiết thực rất đời thường. Người Việt "chỉ tiếp thu những gì phù hợp với đạo lý có sẵn ở Việt Nam" và "những học thuyết, tôn giáo từ nước ngoài... được khai thác, vận dụng kết hợp với lương tri nhân dân để trở thành triết lý đạo đức dân gian".[8] Từ những phạm trù triết học được xác lập, ta có thể góp phần tạo những cơ sở cần thiết cho khoa học lịch sử tư tưởng Việt Nam. Trong thế vận động, ta có điều kiện để tìm thấy những tiền đề cần thiết trong sự giao lưu với tư tưởng triết học phương Tây. Việc nghiên cứu triết học Việt Nam góp phần giải thích lịch sử bằng triết học xã hội, triết học chính trị.